Tên ngành, nghề: THÚ Y
Mã ngành, nghề: 5640101
Trình độ đào tạo: Trung cấp
Hình thức đào tạo: Chính quy
Đối tượng tuyển sinh: Học sinh đã tốt nghiệp THCS hoặc tương đương
Thời gian đào tạo: 1-2 năm
CHƯƠNG TRÌNH KHUNG: THÚ Y
I. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
1. Mục tiêu chung:
Đào tạo người lao động hiểu biết và vận dụng được các kiến thức cơ sở, cơ bản của ngành Thú y, thiết bị máy phục vụ ở lĩnh vực Thú y…và kỹ năng thực hành các quy trình nhân giống, chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho gia súc- gia cầm, biết thực hiện công tác quản lý ở trình độ trung cấp, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khoẻ để người lao động có điều kiện và khả năng tìm việc làm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của ngành Thú y. Sau khi học xong các học sinh có khả năng tổ chức, quản lý sản xuất ở các cơ sở chăn nuôi gia súc-gia cầm và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Có khả năng giúp việc cho kỹ sư thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Trực tiếp tham gia chăn nuôi gia súc, gia cầm ở tất cả các thành phần kinh tế, các công ty, xí nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, viện, trung tâm nghiên cứu về Thú y.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Về kiến thức:
– Được trang bị kiến thức cơ bản về sinh lý động vật, hóa sinh động vật, giải phẫu động vật…để hiểu rõ về động vật trong quá trình chăn nuôi-chẩn đoán và điều trị bệnh cho chúng.
– Được trang bị kiến thức về chẩn đoán bệnh cho gia súc-gia cầm.
– Học sinh sẽ lần lượt được trang bị đầy đủ kiến thức về Dược lý thú y, Bệnh truyền nhiễm của gia súc-gia cầm, bệnh Ký sinh trùng của gia súc-gia cầm, bệnh Ngoại khoa của gia súc-gia cầm, bệnh Nội khoa của gia súc-gia cầm, bệnh Sản khoa của vật nuôi
– Học sinh được trang bị kiến thức về thụ tinh nhân tạo cho vật nuôi để duy trì giống tốt, để nhân giống cao sản, để bảo vệ nguồn gen quý hiếm của đàn vật nuôi…
– Học sinh được trang bị kiến thức về Vệ sinh vật nuôi, Kiểm nghiệm sản phẩm của vật nuôi (Kiểm nghiệm thú sản)
* Học sinh còn được trang bị các kiến thức của ngành chăn nuôi:
+. Kiến thức về chăn nuôi gia súc nhai lại
+. Kiến thức về chăn nuôi lợn
+. Kiến thức về chăn nuôi gia cầm
+. Thức ăn và dinh dưỡng của vật nuôi.
– Sau khi học xong học sinh nắm được các quy trình phòng-chống dịch bệnh cho đàn gia súc-gia cầm, hiểu rõ về Pháp lệnh thú y, học viên có kiến thức cơ bản về khuyến nông. để ứng dụng trong công việc của mình tại các cơ sở làm việc.
b) Về kỹ năng:
– Vận dụng khéo léo các quy trình chăn nuôi đảm bảo vật nuôi khoẻ mạnh, sản phẩm vệ sinh và an toàn.
– Phân biệt được các bệnh khác nhau của vật nuôi: Bệnh truyền nhiễm, Bệnh nội khoa, Bệnh Ngoại khoa, Bệnh ký sinh trùng trong chẩn đoán và phòng -chống dịch bệnh cho con vật.
– Nhận biết được sự thành thục của gia súc, chẩn đoán được gia súc mang thai và các bệnh sinh sản.
– Thao tác thành thạo các dụng cụ phục vụ cho ngành thú y: Pincers (phanh) kéo, syringe, dao mổ….trong công việc của mình.
– Chẩn đoán chính xác các bệnh của vật nuôi và đề ra các biện pháp phòng chống bệnh thích hợp.
– Thành thạo trong thụ tinh nhân tạo cho con vật
– Biết cách tổ chức công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật.
– Làm tốt công tác khuyến nông, tư vấn có hiệu quả về kỹ thuật chăn nuôi thú y cho chủ vật nuôi.
c) Về thái độ:
Học sinh có khả năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm và ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc. Có đạo đức, có sức khỏe, có lương tâm nghề nghiệp, có kỹ luật, có kỹ thuật, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ trong cơ sở, xí nghiệp chăn nuôi gia súc, gia cầm.